Việc học tiếng Anh đối với trẻ em miền xuôi đã là một điều khó khăn, đối với trẻ em miền núi điều đó còn khó khăn gấp bội lần. Để nâng cao hiệu quả chương trình học tiếng Anh cho trẻ em miền núi, trước hết phải tìm hiểu nguyên nhân, sau đó tìm ra những giải pháp phù hợp.

1. Những khó khăn khi học tiếng Anh ở miền núi

Chương trình học tiếng Anh cho trẻ em được xây dựng dựa trên mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Mọi trẻ em dù ở miền xuôi hay miền ngược đều có quyền và nghĩa vụ phải học tiếng Anh. Chỉ có như vậy, trình độ dân trí của Việt Nam mới ngày càng được nâng cao, dân tộc Việt Nam mới “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ đã nói.

Đưa chương trình học tiếng Anh cho trẻ em lên miền núi

Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế- văn hóa còn nhiều khó khăn, thêm vào đó vị trí địa lý và thiên nhiên khắc nghiệt, vận động trẻ em đến trường được đã là một thành công lớn của giáo dục nơi đây. Con đường tiếp cận với kiến thức phổ thông đã quá gian nan nhưng không là gì so với việc đưa chương trình học tiếng Anh cho trẻ em lên miền núi. 

Thứ nhất, về khả năng của trẻ, hầu hết đều không đáp ứng được chương trình học tiếng Anh phổ thông được sử dụng để giảng dạy chung trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Đại đa số các em là người đồng bào dân tộc, việc học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai đã là điều rất khó khăn với các bé. Việc học thêm tiếng Anh như một ngoại ngữ đòi hỏi các em phải thật thông thạo tiếng Việt. Học cùng một lúc nhiều ngôn ngữ khiến các bé cảm thấy mệt mỏi và chán nản.

Thứ hai, về cơ sở vật chất, các trường học ở vùng cao khó có thể đáp ứng được nhu cầu cung cấp những trang thiết bị hiện đại nhất cho việc học tiếng Anh của trẻ (máy chiếu, máy vi tính, ti vi,…). 

Thứ ba, chất lượng đội ngũ giáo viên còn rất hạn chế. Do không có nhiều điều kiện để được hướng dẫn những phương pháp giáo dục tiếng Anh tốt nhất cho trẻ, giáo viên thường chỉ dạy theo những gì mà mình biết dẫn tới việc dù có dạy được nhưng hiệu quả lại không cao. Bên cạnh đó, điều kiện dạy học, lương thưởng khó khăn cũng làm cho giáo viên giỏi tiếng Anh rất áy ngại chuyện về miền núi dạy học.

Thứ tư, điều quan trọng nhất nằm ở tâm lý học sinh và phụ huynh. Đa số các bé đến trường chỉ mong muốn được biết đọc, biết viết tiếng Việt và thực hiện một số phép tính đơn giản. Mục tiêu học tập cao nhất của trẻ cũng như phụ huynh là chỉ cần học hết cấp ba và tìm một công việc lao động phổ thông là đủ. Chính vì thế, họ cho rằng việc học tiếng Anh là một điều không cần thiết.

2. Đề xuất một số hướng giải quyết

Để nâng cao chất lượng hiệu quả dạy và học tiếng Anh, trước hết phải xác định rõ mục tiêu của việc học tiếng Anh để giúp các bạn nhỏ có thêm động lực cho việc học. Tâm lý của trẻ là điều vô cùng quan trọng, chỉ khi các bé đã sẵn sàng thì chương trình Tiếng Anh cho trẻ em mới thật sự được hiệu quả.

Tuyên truyền và vận động các em phải có tình yêu dành cho tiếng Anh là chưa đủ. Chương trình tiếng Anh tiểu học cần có sự thay đổi để phù hợp hơn với khả năng của các bé. Đối với miền núi, nên cho trẻ học tiếng Anh khi trẻ đã có trình độ sử dụng tiếng Việt khá thành thạo. Bên cạnh đó, nếu có thể, giáo viên có thể dạy song ngữ tiếng dân tộc- tiếng Anh cho những bé chưa có khả năng tiếng Việt tốt. Tuy nhiên cũng cần thật thận trọng để không làm trẻ rối loạn ngôn ngữ. Hãy bắt đầu thật chậm để các bé có thời gian làm quen và thích nghi dần với một ngôn ngữ mới.

Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cho trẻ ở miền núi

Thường xuyên thay đổi phương pháp giảng dạy cho trẻ nhằm tạo ra sự thích thú trong việc học. Những câu lạc bộ tiếng Anh dành cho trẻ em miền núi là một điều mơ ước. Tuy nhiên nếu không thể thực hiện được, giáo viên có thể cho trẻ nói tiếng Anh ngay tại lớp. Khuyến khích các bé nói tiếng Anh mọi lúc mọi nơi. Lý tưởng nhất là thực hành nói tiếng Anh khi gặp những đoàn khách du lịch nước ngoài. Bản thân giáo viên phải mạnh dạn giao tiếp để làm gương cho các bé noi theo.

Thật khó khăn để tìm được một trung tâm tiếng Anh cho trẻ em ở miền núi. Chính vì thế, việc tham khảo thêm các chương trình học tiếng Anh từ những trung tâm tiếng Anh cho trẻ em là một gợi ý cần thiết để những người làm giáo dục tiếp cận nhanh với những phương pháp dạy học hiện đại và hiệu quả.

>>>> Xem thêm Chương trình học tiếng Anh cho trẻ em.

Cần sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền

Cơ quan có thẩm quyền phải đồng hành cùng chương trình đưa tiếng Anh cho trẻ em lên miền núi. Bên cạnh việc ủng hộ trên văn bản, các cấp chính quyền phải đồng hành của giáo dục trong việc vận động mọi nguồn lực cho sự phát triển của trẻ.

Cơ sở vật chất nên được cải thiện và đầu tư hoàn chỉnh. Nếu không có những trang thiết bị tân tiến nhất thì cũng phải có những đồ dùng cơ bản nhất cho việc học tiếng Anh của trẻ (giáo trình, máy phát đĩa,…)

Việc phát triển năng lực của đội ngũ giáo viên cũng nên được quan tâm. Phải tạo mọi điều kiện cũng như có những chăm sóc cần thiết về vật chất cũng như tinh thần để động viên những người giáo dục tiếp tục hành trình “trồng người” đầy khó khăn, vất vả.

Kiên trì, quyết tâm đưa tiếng Anh đến gần hơn với trẻ em miền núi là việc làm cần được sự quan tâm và hỗ trợ từ nhiều nguồn lực xã hội. 

>>> Tham khảo thêm: Phương pháp học tiếng Anh lớp 2 cho bé